Có những bằng chứng cho thấy sơn mài xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới cách đây hơn 4000 năm, nhiều cổ vật được tìm thấy tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện.
Ngày nay các nhà khảo cổ học vẫn tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ của nghệ thuật sơn mài cổ truyền. Vào thời kỳ từ năm 1600 – 1046 trước Công Nguyên, người thợ thủ công Trung Quốc đã biết sử dụng sơn mài vào các vật dụng trong đời sống hàng ngày và có công đưa màu sắc vào chất liệu này, tạo tính mỹ thuật cho sản phẩm nghệ thuật.
Đến thế kỷ thứ 5, nghệ thuật sơn mài được truyền bá sang Nhật Bản. Người thợ thủ công Nhật Bản đã tận dụng kỹ thuật này, phát triển và tạo thành một nền tảng căn bản cho kỹ thuật tác chế trên thế giới. Một trong những kỹ thuật người thợ thủ công Nhật Bản tìm ra là kỹ thuật Makie: dán vàng hoặc bạc lên sơn mài. Chính kỹ thuật này đã góp phần phát triển sơn mài từ việc chỉ được dùng cho những vật dụng trong dân gian, đến việc tạo ra những vật dụng sang trọng, tác phẩm nghệ thuật được sử dụng trong cung điện, lăng tẩm, đền chùa hay trong những gia đình giàu sang quyền quý.
Từ xa xưa, vì mủ nhựa được trích từ vỏ cây sơn có độ dính và độ bền chắc, chịu được mưa nắng, nước mặn, độ ẩm cao nên người Việt đã dùng để trét thuyền và sơn quét lên đồ đạc bằng gỗ, bằng mây, tre để tăng độ bóng đẹp và độ bền. Trước đây nhựa sơn được các chúa Nguyễn lấy từ rừng ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nam Đông thuộc Thừa Thiên Huế, sau này là Phú Thọ vì nhựa sơn ở Phú Thọ tốt hơn.
Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội đã tìm tòi và học hỏi thêm cách sử dụng những vật liệu khác như: lá vàng, lá bạc, vỏ trứng, vỏ ốc, vỏ trai, cật tre… và hoàn thiện kỹ thuật mài để tạo nên các tác phẩm tranh sơn mài Việt Nam.
Hàng trăm sản phẩm được vẽ tay bởi các hoạ sĩ và nghệ nhân tài hoa Việt Nam bao gồm tủ, bàn và các sản phẩm trang trí khác.